Dầu nhớt động cơ là gì? Những kiến thức cần biết về dầu nhớt

he-so-ma-sat-dau-nhot

Động cơ, là trái tim của mọi phương tiện. Sử dụng nhiên liệu để tạo ra được năng lượng. Khiến một cỗ xe có thể di chuyển với vận tốc cao để phục vụ con người. Dẫu vậy, dù có là một cỗ máy thì động cơ cũng cần có bàn tay con người bảo dưỡng và chăm sóc. Nếu không thì chúng không thể hoạt động một cách ổn định và bền bỉ nhất.

Nói rõ hơn, một khối động cơ sẽ được cấu tạo nên từ nhiều chi tiết làm bằng kim loại. Khi hoạt động, ngoài nhiệt lượng được tỏa ra từ quá trình đốt cháy nhiên liệu thì chúng ta cũng sẽ có sự ma sát giữa các bề mặt kim loại.

Quá trình đốt cháy nhiên liệu và ma sát sẽ tạo ra sự giãn nở không đồng đều. Và quá trình đó còn tạo ra những mạt kim loại nhỏ li ti. Những mạt kim loại này sẽ gây hư hỏng nặng khi tích tụ tại động cơ trong thời gian dài. Để giải quyết vấn đề này thì các kỹ sư chế tạo đã tìm ra một giải pháp, đó là dầu bôi trơn động cơ.

Dầu bôi trơn động cơ có thể dễ dàng giải quyết nhiều vấn đề như: Giúp hạ nhiệt động cơ, giảm tối đa ma sát giữa các bề mặt kim loại, giữ sạch bên trong buồng đốt… Chính vì sự quan trọng đó mà dầu động cơ ngày càng được cải tiến để trở nên bền bỉ mà hiệu quả hơn. Để giúp quý độc giả hiểu về dầu động cơ, chúng tôi sẽ đi chi tiết từng phần.

Dầu nhớt động cơ là gì?

Thành phần

Dầu nhớt động cơ là dung môi gốc dầu (≈70% – 90%) + các chất phụ gia (≈10% – 30%)

  • Dầu gốc: là phân tử polymer dạng CxHy. Là dung môi để hòa trộn phụ gia. Là yếu tố chính quyết định tuổi thọ của dầu nhớt. Chất lượng phụ gia được thêm vào sẽ phụ thuộc vào độ chất lượng dầu gốc.
  • Các chất phụ gia: là các chất được bổ sung vào nhằm tăng cường tính năng của dầu gốc: giảm ma sát, chống oxy hóa, chống mài mòn, tẩy cặn, chống cháy, tăng tuổi thọ dầu gốc… là nhân tố cực kỳ quan trọng trong dầu nhớt hiện đại.
thanh-phan-cua-dau-dong-co

Các nhóm dầu nhớt

Dầu nhớt động cơ sẽ được chia ra làm 4 nhóm dầu chính:

  • Dầu khoáng: là dầu gốc nhóm I : được lọc từ dầu mỏ nên lẫn nhiều tạp chất, phân tử polymer tạp và không đồng nhất nên độ bôi trơn kém, dễ đóng cặn, dễ bị phân hủy bởi nitric acid (HNO3) và nhiệt độ cao.
  • Dầu bán tổng hợp: là dầu nhóm II : được lọc kỹ từ dầu mỏ và hydrocracking 1 phần nên tinh khiết hơn và phân tử đồng đều hơn từ đó bôi trơn tốt hơn và bền hơn. Chất lượng phụ gia được thêm vào cũng tốt hơn.
  • Dầu tổng hợp: là dầu nhóm III cũng từ dầu mỏ nhưng lọc rất kỹ và hydrocracking triệt để nên phân tử poly-ankan rất đồng đều, tinh khiết, chất lượng cũng rất cao gần bằng nhớt tổng hợp toàn phần (nhóm III+, IV, V) vì thế trên thị trường để marketing người ta gọi là Fully Synthetic – 100% synthetic.
  • Dầu tổng hợp toàn phần (thực tế): bao gồm nhóm III+, IV (PAO), V (ester) – đây là dầu tổng hợp đúng nghĩa. Được tổng hợp hoàn toàn từ khí hoặc đơn chất, không dùng dầu mỏ. Chất lượng cực kỳ cao cấp, tinh khiết, phân tử đồng nhất và giá rất cao.
    • Nhóm III+: bản chất là dùng khí etilen tạo ra các phân tử poly-ankan giống nhóm III nhưng chất lượng hơn nhiều. Nổi bật nhất là chống bay hơi, bền với nhiệt. Hiện chỉ có Shell Pureplus là đang dùng công nghệ này.
    • Nhóm IV (PAO): cũng dùng khí etilen nhưng tạo ra poly-anken chứ không phải ankan để nhớt có chỉ số nhớt (VI) cực kỳ cao, khả năng chống đông siêu việt.
    • Nhóm V: thường gặp nhất là ester. Là phân tử CxHyOz, do phân cực (bám dính vào bề mặt tốt) và đã bão hòa oxy hóa nên khả năng bảo vệ và bền với nhiệt độ – độ oxy hóa là cực kỳ thấp.
    • Nhược điểm của nhớt nhóm III+ và IV là đắt và không phân cực do đó khả năng hòa tan phụ gia kém và khả năng bảo vệ chống mòn kém nên cần phụ gia chất lượng rất cao vì thế giá thành lại càng cao hơn. Còn ester thì đắt và dễ bị hỏng nếu gặp nước hoặc độ ẩm cao.

Tính chất của dầu nhớt

Độ nhớt (Viscosity)

Với bất kì một chất lỏng nào chúng cũng đều sẽ có độ nhớt. Tuy nhiên thì chỉ số về độ nhớt lại là một trong những thứ được quan tâm nhất trên các loại dầu nhớt bôi trơn. Độ nhớt của dầu nhớt bôi trơn được đặt ra bởi Hiệp hội Kỹ sư Ô tô (Society of Automotive Engineers – SAE).

Các chỉ số SAE (SAE Grade) được quy định với công thức xWyy. Thế nhưng chúng ta lại có 2 loại dầu nhớt là đơn cấp và đa cấp.

  • Dầu đơn cấp: Loại dầu nhớt này sẽ không được sử dụng trên các phương tiện xe cộ cá nhân mà thường được sử dụng trong các máy động cơ 2 thì, máy nông nghiệp, công nghiệp. Dầu đơn cấp sẽ được phân biệt bằng ký hiệu SAE 20, SAE 30… hoặc SAE 5W hay SAE 10W…
  • Dầu đa cấp: Đây là loại dầu phổ biến trên thị trường dành cho các phương tiện di chuyển cá nhân. Dầu nhớt đa cấp sẽ có ký hiệu đầy đủ theo công thức như 0W20 hoặc 5W30.

Dầu đa cấp có độ nhớt thỏa mãn ở nhiều điều kiện nhiệt độ khác nhau còn dầu đơn cấp chỉ đáp ứng ở một nhiệt độ nhất định.

Số phía trước ký tự “W” thể hiện độ chống đông lạnh của nhớt, ở môi trường thời tiết như nước ta, con số này không thật sự quan trọng. Số sau ký tự “W” thể hiện độ nhớt (độ đặc) của nhớt ở cùng 1 mức nhiệt độ. Số càng cao thì độ nhớt của dầu càng cao.

do-nhot-cua-dau-dong-co

Khi động cơ đang còn nguội mới khởi động thì nhớt càng đặc sẽ càng khó bơm và len lỏi vào các chi tiết máy. Điều này sẽ làm hao mòn nguội (chiếm 90%) nhưng khi nhiệt độ động cơ nóng lên thì màng nhớt sẽ dày hơn và bảo vệ tốt hơn (tuy nhiên hao mòn nóng chỉ chiếm 10%). Chính vì vậy chúng ta nên lựa chọn loại dầu có độ nhớt phù hợp để bảo vệ xe tốt nhất.

Chỉ số cấp hiệu năng (American Petroleum Institute – API)

Chỉ số này được tạo ra để đánh giá chất lượng của hầu hết các loại dầu nhớt nói chung, chủ yếu phổ biến trên các phương tiện sử dụng động cơ đốt trong.

Chỉ số API được chia ra làm 2 ký tự:

  • Ký tự đầu để chỉ định cho loại nhiên liệu mà động cơ sử dụng: C đối với động cơ dầu và S với động cơ xăng.
  • Ký tự thứ 2 là thể hiện chất lượng của dầu nhớt và được phân cấp theo thứ tự bảng chữ cái. Chữ cái càng về sau thì chất lượng dầu nhớt càng cao. Ví dụ: dầu có chỉ số API SN sẽ có chất lượng cao hơn dầu có chỉ số SM; dầu có chỉ số SM sẽ cao hơn dầu chỉ số SL.

Ở thời điểm hiện tại, dầu nhớt có chỉ số API SN đang là loại dầu nhớt có chất lượng cao nhất trên thị trường. Loại nhớt có API càng cao thì độ biến đổi độ nhớt theo nhiệt độ càng thấp, cùng với đó là khả năng trung hòa cặn bẩn của nhớt cũng tốt hơn. Vì vậy, sử dụng những loại nhớt có API cao sẽ giúp xe bạn được bôi trơn và bảo vệ tốt hơn.

Hệ số ma sát (Friction Characteristic Index – FCI)

Hệ số ma sát của dầu nhớt lần đầu được Cơ quan Tiêu chuẩn phương tiện cơ giới Nhật Bản (Japanese Automotive Standards Organization – JASO) đưa ra và năm 1998. Đây là một hệ thống dùng để đo lường khả năng chống ma sát hoặc chống trượt ly hợp của dầu.

Do sự khác biệt giữa những xe sử dụng bộ ly hợp và hộp số tách biệt (Ô tô, xe tay ga) với những xe bộ ly hợp, hộp số ngâm chung nhớt (xe máy côn tay, xe máy côn tự động). Vì vậy mà dầu động cơ cho các dòng xe ngâm chung nhớt cần có độ ma sát cao hơn, còn với những dầu dành cho xe ly hợp và hộp số tách biệt thì ma sát sẽ thấp hơn (Thậm chí còn có những phụ gia giảm thiểu ma sát). 

he-so-ma-sat-dau-nhot

Với hệ số ma sát của dầu nhớt, hiện tại được chia ra là 2 nhóm:

JASO MA:

  • Có độ ma sát cao, không có hoặc ít phụ gia giảm ma sát. Chuyên cho xe số, tuy có thể dùng cho tay ga nhưng sẽ gây hao xăng và nóng máy hơn (nhưng chống mài mòn tốt như nhau).
  • Nhóm MA sẽ được chia ra làm 3 cấp độ: MA, MA1 và MA2. Cấp độ của nhóm MA sẽ được dựa trên 3 thông số: Hệ Số Ma Sát Tĩnh (Static Friction Characteristic Index – SFI), Hệ Số Ma Sát Động (Dynamic Friction Characteristic Index – DFI), Hệ Số Dừng (Stop Time Index – STI).

JASO MB:

  • Có độ ma sát thấp, chứa nhiều phụ gia giảm ma sát, chỉ dùng cho tay ga hoặc ô tô. Không được sử dụng trên các dòng xe số có bộ ly hợp và hộp số ngâm chung nhớt.

Vai trò

Bôi trơn:

  • Dầu nhớt sẽ hình thành một lớp màng bảo vệ và làm giảm ma sát giữa các bề mặt chi tiết trong động cơ. Điều này giúp cho các bộ phận chuyển động trong động cơ hoạt động êm ái, không phát ra tiếng ồn.

Làm sạch:

  • Dầu nhớt còn có tác dụng ngăn không cho các muội than và cặn bẩn sinh ra trong quá trình đốt cháy bám vào các bề mặt chi tiết. Công dụng này sẽ đảm bảo bề mặt chi tiết động cơ không bị mài mòn bởi mạt kim loại và muội than.
vai-tro-cua-dau-dong-co

Làm khít:

  • Dầu động cơ sẽ hỗ trợ bít kín các khe hở giữa pít tông và xi lanh giúp hạn chế khí nén và khí đốt thoát ra ngoài buồng đốt giúp động cơ đạt được hiệu suất cao nhất.

Làm mát:

  • Dầu động cơ sẽ hấp thụ một phần nhiệt của động cơ trong quá trình đốt cháy và phân tán đều nó. Từ đó làm mát pít tông, ngăn chặn sự giãn nở và bó máy do quá nhiệt.

Tuổi thọ của dầu nhớt

Tuổi thọ của dầu nhớt phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm cả những yếu tổ chủ quan và khách quan. Những yếu tố chính gây ảnh hưởng tới tuổi thọ của dầu nhớt bôi trơn bao gồm thói quen sử dụng, điều kiện sử dụng và chất lượng dầu nhớt.

Để tính được chính xác tuổi thọ của dầu nhớt thì chủ xe có thể dựa trên 2 yếu tố dễ thấy nhất đó là thời gian thay dầu và quãng đường đã di chuyển tính từ lần thay gần nhất. Việc thay dầu nhớt là một yếu tố quan trọng trong việc bảo trì và bảo vệ động cơ. Nếu không thay đúng lúc, dầu nhớt có thể mất khả năng bôi trơn, tăng ma sát và khiến động cơ hoạt động không hiệu quả. Điều này dẫn đến hao mòn, rỉ sét và cuối cùng là sự cố động cơ.

Trong bài viết tới chúng tôi sẽ đề cập chi tiết hơn về tuổi thọ cũng như các tự kiểm tra tình trạng dầu nhớt trong động cơ xế cưng của bạn.

Trước khi kết thúc bài viết này, chúng tôi cũng muốn các quý độc giả biết rằng chất lượng của dầu động cơ là vô cùng quan trọng. Để đảm bảo rằng các bạn không sử dụng phải những sản phẩm dầu kém chất lượng như dầu giả, dầu từ những thương hiệu trôi nổi thì việc tìm tới những garage có chất lượng đảm bảo nên là ưu tiên hàng đầu.

CTK – GIẢI PHÁP CHĂM SÓC XE TOÀN DIỆN

Liên hệ với chúng tôi

CTKF Việt Nam cam kết sẽ cung cấp và hỗ trợ những khách hàng đã, đang và sẽ cùng đồng hành để mang tới những sản phẩm và dịch vụ chất lượng nhất. Với tôn chỉ “Uy tín tạo thành công”, sản phẩm CTK Engine của chúng tôi sẽ giúp hệ thống động cơ của bạn luôn trơn tru và đạt hiệu suất cao nhất.

Bài viết liên quan