Cấu tạo hệ thống bôi trơn động cơ ô tô

Một trong những yếu tố quan trọng nhất để đảm bảo sự vận hành hiệu quả của động cơ xe ô tô là hệ thống bôi trơn. Dầu nhớt ngoài giúp giảm ma sát giữa các bộ phận chuyển động, giảm thiểu nhiệt độ, nó còn giúp làm sạch và giảm thiểu khí thải động cơ. 

Tuy nhiên, để hiểu rõ hơn về cách hoạt động của hệ thống bôi trơn, ta cần phải biết rõ về các thành phần của nó, cách chúng hoạt động và tác động của chúng đến hiệu suất của động cơ. Và trong bài viết này, chúng tôi sẽ giúp bạn mổ xẻ để khám phá hệ thống bôi trơn của động cơ xe ô tô, từ đó các bạn sẽ có một cái nhìn rõ hơn về hệ thống bôi trơn của động cơ ô tô.

CẤU TẠO

Hệ thống bôi trơn của động cơ ô tô là một hệ thống có cấu tạo tương đối đơn giản. Các bộ phận chính của hệ thống sẽ bao gồm: Các te, bơm dầu, lọc dầu, cảm biến áp suất, két dầu và các đường dẫn dầu. Chúng ta hãy cùng đi theo thứ tự để dễ hình dung quá trình di chuyển của dầu trong hệ thống nhé.

Các te

Các te dầu hay còn gọi là hộp trục khuỷu (tiếng Anh: crankcase, tiếng Pháp: carter). Nó sẽ nằm ở vị trí dưới cùng của động cơ, được cố định vào khung máy bằng các bu lông, giữa chúng có đệm lót để làm kín. hai đầu các te có phớt chắn dầu.

Tùy vào mỗi loại xe với khối động cơ khác nhau mà các te sẽ có dung tích dầu khác nhau. Thông thường các mẫu xe phổ biến ở nước ta hiện tại sẽ cần từ 4 lít – 7 lít dầu để làm đầy các te.

Bên trong các te chia làm ba ngăn, ngăn giữa sâu hơn hai ngăn bên, giữa các ngăn có các vách ngăn để khi ôtô chạy đường dốc, tăng tốc độ thì dầu sẽ không bị dồn hết về một phía. Ở ngăn thấp nhất của các te có nút xả dầu, nút xả dầu sẽ có nam châm để hút các mạt kim loại trong dầu.

Ngoài tác dụng là chứa dầu cho toàn bộ hệ thống bôi trơn thì các te còn chứa lượng khí đốt bị lọt ra ngoài. Cụ thể hơn; khi động cơ hoạt động, có một lượng khí lọt xuống dưới hộp trục khuỷu thông qua khe hở giữa các xéc măng và vách xilanh. Lượng khí cháy này có nhiệt độ cao nên có thể làm dầu bị biến chất.

Van thông khí các te lợi dụng lực hút chân không của động cơ để hút lượng khí bị lọt ra trong hộp trục khuỷu, lượng khí cháy bị lọt ra sẽ quay ngược vào buồng đốt để tiếp tục quá trình đốt cháy.

Bơm dầu

Bơm dầu thường được đặt ở dưới các te, gần với khoang chứa dầu. Bơm dầu sẽ được thiết kế để đẩy dầu đi với áp suất lớn. Bơm dầu trong hệ thống bôi trơn động cơ có 2 loại đó là bơm bánh răng hoặc bơm rotary. Bơm dầu thường được dẫn động bởi trục khuỷu động cơ thông qua các bánh răng.

Với bơm dầu trên hầu hết các mẫu xe, chúng ta sẽ có bộ phận lọc dầu thô được nối giữa bơm dầu tới khoang chứa dầu. Bộ phận lọc dầu thô có thể sẽ là loại gắn liền cùng bơm hoặc gắn rời bên ngoài.

Thực tế, bơm dầu và đường dẫn dầu rất dễ bị các tạp chất làm tắc nghẽn gây hư hại nghiêm trọng hoặc thậm chí làm hỏng bơm dầu hoặc động cơ. Vì vậy các chủ xe cần định kỳ thay dầu động cơ và bộ lọc.

Lọc dầu

Trong quá trình hoạt động, động cơ ít nhiều sẽ sinh ra những tạp chất nhất định tại các vị trí trục hoặc các bề mặt có sự ma sát. Chính những tạp chất này sẽ gây ra hiện tượng mài mòn nhanh khiến động cơ bị rơ.

Ngoài ra, dầu động cơ còn bị ảnh hưởng lớn bởi những tạp chất như:

  • Mạt kim loại do các mặt ma sát bị mài mòn, đặc biệt trong giai đoạn chạy rà khi động cơ còn mới hoặc khi động cơ vừa hoạt động trở lại sau một thời gian dài không hoạt động.
  • Các tạp chất lẫn trong khí nạp. Khi các tạp chất này đi vào xilanh lẫn vào nhớt rồi đi xuống các te gây nhiễm bẩn dầu bôi trơn.
  • Muội than trong quá trình đốt cháy nhiên liệu sinh ra trong buồng đốt.

Những tạp chất này có thể có kích thước vô cùng nhỏ. Bộ lọc dầu sẽ có tác dụng giữ lại các tạp chất, tách chúng ra khỏi dầu, làm sạch dầu trước khi đến với các bộ phận của động cơ. Dầu trong bơm dầu sẽ chảy qua bộ lọc và đến với các đường dẫn.

Cảm biến áp suất

Cảm biến áp suất dầu trong hệ thống bôi trơn của động cơ ô tô là một thành phần vô cùng hữu ích đối với chúng ta. Nhờ cảm biến áp suất dầu mà người sử dụng có thể biết được rằng là hệ thống bôi trơn của xe liệu đang có vấn đề hay không.

Bộ cảm biến áp suất được chia làm ba thành phần, hai phần chính là đầu cảm biến được lắp đặt tại một số vị trí bên trong hệ thống bôi trơn và đồng hồ hiển thị áp suất được lắp đặt trên táp lô của xe. Thành phần phụ cuối cùng là các dây dẫn từ đầu cảm biến tới đồng hồ hiển thị.

Cảm biến áp suất dầu được chia ra làm ba loại.

Cảm biến cơ học (Mechanical oil gauge)

Dầu được đưa tới đồng hồ bằng một đường ống với đầu nối trực tiếp tới hệ thống. Áp suất của dầu sẽ trực tiếp điều chỉnh kim theo mức được nhà sản xuất tinh chỉnh.

Cảm biến điện từ (Electric sensor units)

Cảm biến điện từ hoạt động bằng cách sử dụng áp suất của dầu để di chuyển thanh trượt và  tác động lên một lưỡi gạt có điện trở cố định. Sau khi được tác động, lưỡi gạt có điện trở sẽ gửi đi tín hiệu điện tới đồng hồ. Bên trong đồng hồ, các cuộn cảm nhận được tín hiệu điện và sẽ làm xoay kim.

Cảm biến điện tử (Digital sensor units)

Đây là loại cảm biến hiện đại nhất cho đến thời điểm hiện tại. Với đầu cảm biến nhỏ hơn so với cảm biến điện từ và hiển thị chính xác hơn cảm biến cơ học.

Dầu khi đưa vào đầu cảm biến, màng cảm biến cơ hoành sẽ nhận một áp lực nhỏ. Bộ phận cảm biến sẽ thông qua các chân nối đo đạc và chuyển đổi nó thành thông tin dưới dạng kỹ thuật số. Những thông tin kỹ thuật số này sẽ được gửi tới đồng hồ, đồng hồ sẽ hiển thị áp suất sau khi đã giải mã các thông tin đó.

Đặc điểm nổi trội của cảm biến điện tử ngoài sự chuẩn xác cao, kích thước đầu cảm biến nhỏ thì người dùng có có thể sử dụng nó với cả loại màn hình LED hiển thị số hoặc đồng hồ kim cổ điển.

Két dầu

Giống với két nước làm mát của hệ thống làm mát động cơ. Két dầu của hệ thống bôi trơn động cơ cũng có công dụng tương tự.

Dầu nhớt trong quá trình bôi trơn sẽ hấp thụ một phần nhiệt lượng của các chi tiết bên trong động cơ. Nếu như dầu nhớt không được hạ nhiệt thì tính chất hóa lý của dầu nhớt sẽ thay đổi. Từ đó làm giảm dần đi hiệu suất bôi trơn và gián tiếp ảnh hưởng tới các bộ phận bên trong động cơ xe.

Vì vậy mà trong hệ thống bôi trơn động cơ, dầu nhớt sau khi bôi trơn động cơ sẽ được đưa qua két dầu để hạ nhiệt trước khi quay trở về khoang chứa dầu ở các te. Két dầu có thể sẽ được hạ nhiệt bằng hai cách đó là dùng nước làm mát trong hệ thống hoặc sử dụng không khí.

Các đường dẫn dầu

Để dầu có thể di chuyển từ khoang chứa dầu tại các te tới động cơ và những bộ phận khác thì chúng ta sẽ cần phải có những đường dẫn dầu. Những đường ống dẫn dầu này có đường kính tương đối nhỏ.

Để đảm bảo lượng dầu được tuần hoàn trong hệ thống đều và đủ, bơm dầu sẽ tạo ra một áp suất lớn bên trong những đường dẫn dầu. Khi đó, dầu trong hệ thống sẽ được luân chuyển đều đặn và đầy đủ.

Qua bài viết trên, hẳn là các bạn đọc đã hình dung được sơ bộ về cấu tạo của hệ thống bôi trơn dầu nhớt động cơ ô tô. Ở bài viết tới đây, chúng ta sẽ đi sâu hơn vào công dụng, nguyên lý hoạt động cũng như những phương thức bôi trơn động cơ khác nhau. Các bạn cùng đón xem nhé.

CTK – GIẢI PHÁP CHĂM SÓC XE TOÀN DIỆN

Liên hệ với chúng tôi

CTKF Việt Nam cam kết sẽ cung cấp và hỗ trợ những khách hàng đã, đang và sẽ cùng đồng hành để mang tới những sản phẩm và dịch vụ chất lượng nhất. Với tôn chỉ “Uy tín tạo thành công”, sản phẩm CTK Engine của chúng tôi sẽ giúp hệ thống động cơ của bạn luôn trơn tru và đạt hiệu suất cao nhất.

Bài viết liên quan

Comments are closed.